Bệnh Viêm quanh răng và những điều cần biết

Bệnh viêm quanh răng là gì?

Viêm quanh răng, là một bệnh nhiễm trùng mô quanh răng nghiêm trọng làm tổn thương mô mềm xung quanh răng. Nếu không điều trị, viêm quanh răng có thể phá hủy xương nâng đỡ răng, điều này có thể khiến răng lung lay hoặc dẫn đến mất răng.

Viêm quanh răng là bệnh phổ biến nhưng thường có thể phòng ngừa được. Nó thường là kết quả của việc không chăm sóc răng miệng đúng cách. Để giúp ngăn ngừa viêm quanh răng hoặc tăng cơ hội điều trị thành công, nên đánh răng ít nhất hai lần một ngày, dùng chỉ nha khoa hàng ngày và khám răng định kỳ.

Biểu hiện của viêm quanh răng 

Triệu chứng của bệnh viêm quanh răng

Nướu khỏe mạnh chắc chắn và vừa khít quanh răng. Màu sắc của nướu khỏe mạnh có thể khác nhau. Chúng có thể có màu từ hồng nhạt ở một số người đến hồng đậm và nâu ở những người khác.

Các triệu chứng của viêm quanh răng có thể bao gồm: Nướu bị sưng, nướu có màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc tím đậm, nướu có cảm giác đau khi chạm vào, nướu dễ chảy máu, có thể chảy máu tự nhiên hoặc chảy máu khi chải răng, hơi thở hôi kéo dài, răng lung lay hoặc mất răng, khoảng trống mới phát triển giữa các răng trông giống như hình tam giác màu đen.

Nướu tụt ra khỏi răng khiến răng trông dài hơn bình thường gọi là tụt nướu.

Nguyên nhân của viêm quanh răng

Trong hầu hết các trường hợp, sự phát triển của viêm quanh răng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám trên bề mặt răng. Mảng bám là một màng dính chủ yếu được tạo thành từ vi khuẩn và tinh bột, đường trong thức ăn. Theo thời gian, mảng bám có thể cứng lại tạo thành cao răng.

Đánh răng hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần sẽ loại bỏ mảng bám, nhưng mảng bám sẽ nhanh chóng quay trở lại. Khác với mảng bám, cao răng không thể loại bỏ bằng phương pháp vệ sinh răng miệng thông thường tại nhà. Mảng bám và cao răng chứa đầy vi khuẩn nên chúng lưu lại trên răng càng lâu thì chúng càng gây ra nhiều tổn hại tới răng và mô quanh răng.

Mảng bám có thể gây viêm nướu, dạng bệnh nướu nhẹ nhất. Viêm nướu là tình trạng kích ứng và sưng tấy mô nướu quanh chân răng. Viêm nướu có thể được chữa khỏi bằng cách điều trị chuyên nghiệp bởi bác sĩ nha khoa và chăm sóc răng miệng tốt tại nhà.

Khi quá trình viêm lan xuống xương, hình thành các túi sâu giữa nướu và răng, gây tiêu xương ổ răng thì bệnh lý được gọi là viêm quanh răng. Cuối cùng, bệnh nhân có thể mất một hoặc nhiều răng. Ngoài ra, tình trạng viêm liên tục có thể gây căng thẳng cho hệ thống miễn dịch, gây ra các vấn đề sức khỏe khác.

Các giai đoạn của viêm quanh răng

Hậu quả

Viêm quanh răng có thể gây mất răng. Hơn nữa, vi khuẩn gây viêm quanh răng có thể xâm nhập vào máu thông qua mô nướu, có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể. Ví dụ, viêm quanh răng có liên quan đến bệnh hô hấp, viêm khớp dạng thấp, bệnh động mạch vành, sinh non và nhẹ cân, cũng như các vấn đề kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh tiểu đường.

Điều trị

Việc điều trị viêm quanh răng có thể được thực hiện bởi nha sĩ tổng quát hoặc bác sĩ chuyên về nha chu. Mục tiêu của việc điều trị là làm sạch hoàn toàn các túi xung quanh răng và ngăn ngừa tổn thương mô nướu xung quanh và xương. Để điều trị thành công, bệnh nhân cũng cần có thói quen chăm sóc răng miệng tốt hàng ngày, quản lý các tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và ngừng sử dụng thuốc lá.

Phương pháp điều trị không phẫu thuật

Nếu viêm nha chu không tiến triển, việc điều trị có thể bao gồm các thủ thuật ít xâm lấn, bao gồm:

  • Cạo vôi răng: Cạo vôi răng sẽ loại bỏ cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng và bên dưới đường viền nướu. Nó có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các dụng cụ cầm tay, tia laser hoặc thiết bị siêu âm.
  • Làm nhẵn chân răng: Là làm phẳng bề mặt chân răng. Điều này giúp ngăn ngừa sự tích tụ thêm của cao răng và vi khuẩn. Nó cũng giúp nướu tái bám dính vào răng.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc uống có thể giúp kiểm soát nhiễm trùng do vi khuẩn. Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ có thể bao gồm nước súc miệng kháng sinh hoặc bôi gel có chứa kháng sinh vào túi nướu. Đôi khi cần dùng kháng sinh đường uống để loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Phương pháp điều trị phẫu thuật

Nếu viêm nha chu tiến triển, có thể cần phẫu thuật nha khoa, chẳng hạn như:

  • Phẫu thuật vạt: Bác sĩ sẽ cắt nướu, lật vạt lợi làm lộ chân răng để cạo vôi răng và làm nhẵn chân răng hiệu quả hơn. Vì viêm nha chu thường gây mất xương nên xương bên dưới có thể được điều chỉnh lại trước khi mô nướu được khâu lại đúng vị trí. Sau khi lành thương, việc làm sạch các khu vực xung quanh răng sẽ dễ dàng hơn và duy trì mô nướu khỏe mạnh.
  • Ghép mô mềm: Khi tụt lợi, đường viền nướu sẽ thấp hơn, để lộ bề mặt chân răng. Chân răng bị lộ có thể được che phủ bằng cách lấy một lượng nhỏ mô ra khỏi vòm miệng hoặc sử dụng mô từ nguồn hiến tặng khác và khâu lại vào vị trí tụt nướu. Điều này có thể giúp giảm tình trạng mất nướu nhiều hơn, che phủ phần chân răng bị lộ ra và cải thiện thẩm mĩ.
  • Ghép xương: Phẫu thuật này được thực hiện khi viêm nha chu phá hủy xương xung quanh chân răng . Mảnh ghép có thể được làm từ những mảnh xương nhỏ của chính bệnh nhân, hoặc xương có thể được làm từ vật liệu nhân tạo hoặc được hiến tặng. Việc ghép xương giúp ngăn ngừa mất răng bằng cách giữ răng ở đúng vị trí. Nó cũng phục vụ như một nền tảng cho sự tái phát triển của xương tự nhiên.
  • Tái tạo mô có hướng dẫn: Điều này cho phép tái sinh xương đã bị vi khuẩn phá hủy. Phương pháp thứ nhất đó là nha sĩ sẽ đặt một loại màng đặc biệt để giữa răng và xương hiện có của bênh nhân. Màng này ngăn cản các mô không mong muốn phát triển vào vùng đang lành vết thương, thay vào đó cho phép xương phát triển trở lại.

Một phương pháp khác là bôi một loại gel đặc biệt lên chân răng bị bệnh. Loại gel này chứa các protein tương tự được tìm thấy trong việc phát triển men răng và kích thích sự phát triển của xương và mô khỏe mạnh.

Phòng ngừa

  • Vệ sinh răng miệng tại nhà: Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm quanh răng là tập thói quen chăm sóc răng miệng thật tốt. Hãy bắt đầu thói quen này khi còn trẻ và duy trì nó suốt cuộc đời. Chăm sóc răng miệng tốt có nghĩa là đánh răng trong 2-3 phút, ít nhất hai lần một ngày – vào buổi sáng và trước khi đi ngủ – và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày. Dùng chỉ nha khoa trước khi chải răng cho phép bạn làm sạch các mảnh thức ăn còn sót lại và vi khuẩn. Chăm sóc răng miệng tốt giúp răng và nướu sạch sẽ, loại bỏ vi khuẩn gây bệnh nha chu.
  • Thăm khám nha khoa định kỳ. Gặp nha sĩ thường xuyên để làm sạch răng, thường là 6 đến 12 tháng một lần. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh nha chu – chẳng hạn như bị khô miệng, dùng một số loại thuốc hoặc hút thuốc lá thì có thể cần vệ sinh răng miệng bởi chuyên gia thường xuyên hơn.
  • Nếu có thể thì nên dừng hút hoặc nhai thuốc lá.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ đặt lịch với Bệnh viện qua Hotline 1900 86 86 90/0221 2206 789 để được tư vấn cụ thể và chi tiết về các dịch vụ khám tại Bệnh viện KUSUMI, đăng ký khám online https://kusumihospital.vn/ hoặc tới đăng ký tại quầy tiếp đón tại bệnh viện, địa chỉ ST-01, Khu đô thị Ecopark, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.